I. Hướng dẫn mới nhất về tiền lương đóng BHXH bắt buộc
Ngày 30/07/2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Công văn 3016/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn về tiền lương đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2018.
Cụ thể, tiền lương đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Trong đó:
- Phụ cấp lương là các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính đến chưa đầy đủ như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… các phụ cấp có tính chất tương tự.
- Các khoản bổ sung khác là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
- Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật; trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động…
(Nguồn: Luatvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)
II. BHXH Hà Nội đề nghị phối hợp kiểm tra lại các thông tin khi nhận sổ BHXH
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1918/BHXH-CST về việc phối hợp kiểm tra lại các thông tin trong sổ BHXH khi nhận sổ BHXH.
Công văn nêu rõ, thực hiện Văn bản số 4027/BHXH-ST ngày 14/11/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về rà soát, trả sổ BHXH cho người lao động. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị sử dụng lao động triển khai, tổ chức thực hiện rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động.
Để đảm bảo tiến độ trả sổ BHXH cho người lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tập trung toàn bộ nguồn nhân lực để nhập bổ sung dữ liệu quá trình tham gia của người lao động vào phần mềm quản lý, đồng thời phối hợp với đơn vị sử dụng lao động để rà soát, sau đó cấp lại sổ BHXH (đối với các trường hợp sổ cấp theo mẫu cũ và các trường hợp có điều chỉnh thông tin cá nhân) trước khi chuyển các đơn vị sử dụng lao động phối hợp với cơ quan Bưu điện trả sổ BHXH cho người lao động.
BHXH TP Hà Nội đề nghị các đơn vị sử dụng lao động yêu cầu người lao động sau khi nhận sổ BHXH, tiếp tục kiểm tra lại các thông tin trên sổ (bao gồm họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quá trình đóng BHXH, chức danh công việc, tiền lương..., nếu phát hiện còn sai sót, chậm nhất trong 1 tháng kể từ ngày người lao động nhận được sổ BHXH phải gửi lại đơn vị để chuyển đến Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã hoặc thành phố nơi cấp sổ để điều chỉnh. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ kiểm tra, nếu có sai sót thực hiện điều chỉnh lại thông tin.
Trường hợp người lao động đã nhận sổ sau 1 tháng mà không có ý kiến, khi giải quyết các chế độ BHXH, Bảo hiểm xã hội Hà Nội căn cứ dữ liệu và hồ sơ thực tế quá trình tham gia BHXH để giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị sử dụng lao động quan tâm phối hợp và chỉ đạo thực hiện để việc trả sổ BHXH cho người lao động đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
(Nguồn: Bhxhhn.com.vn; Xem chi tiết tại đây)
III. Không phải cứ đóng bảo hiểm là được hưởng chế độ thai sản
Với bất cứ lao động nữ nào, chế độ thai sản cũng là mối quan tâm hàng đầu khi sinh con. Thế nhưng, để được hưởng chế độ thai sản, lao động nữ phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản 2018
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động chỉ được chế độ thai sản nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Thuộc 1 trong 6 trường hợp:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
- Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
- Trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bệnh viện thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Lưu ý: Người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Mức hưởng chế độ thai sản 2018
Năm 2018, mức hưởng chế độ thai sản có một số thay đổi mới như sau:
- Tăng tiền trợ cấp thai sản: Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “Lao động nữ khi sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở.”
Từ ngày 01/07/2018, lương cơ sở tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP), trợ cấp thai sản tăng lên 2,78 triệu đồng/tháng.
- Tăng tiền dưỡng sức sau sinh: Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “Lao động nữ sau khi sinh con mà trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Trong đó, tối đa 10 ngày nếu lao động nữ sinh đôi trở lên; 07 ngày nếu sinh mổ; 05 ngày với các trường hợp khác. Khi nghỉ dưỡng sức sau sinh, lao động nữ được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.”
Như vậy, từ ngày 01/07/2018, tiền dưỡng sức sau sinh của lao động nữ là 417.000 đồng/ngày, tăng 27.000 đồng/ngày.
Ngoài một số thay đổi nêu trên, chế độ thai sản 2018 vẫn giữ nguyên quy định như trước đây.
(Nguồn: Luatvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)
IV. Những khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc
Không ít người lao động hiện vẫn còn băn khoăn khi không biết những khoản thu nhập nào sẽ không bị tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Căn cứ vào Khoản 3 Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về “Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”:
Điều 30. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.”.
- Cũng tại, căn cứ vào điểm 2.3 Khoản 2 của Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác.
Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
Như vậy, các khoản thu nhập sau đây sẽ không bị tính đóng BHXH bắt buộc:
- Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012
Điều 103. Tiền thưởng
1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
3. Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Khoản hỗ trợ xăng xe; Khoản hỗ trợ điện thoại; Khoản hỗ trợ đi lại; Khoản hỗ trợ tiền nhà ở; Khoản hỗ trợ tiền giữ trẻ; Khoản hỗ trợ nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết; Hỗ trợ khi người lao động có người thân kết hôn; Hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động; Trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động; Trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015. “11. Các nội dung khác liên quan đến thực hiện nội dung mà hai bên thỏa thuận”.
(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
V. Điều chỉnh mức trợ cấp đối với cán bộ xã
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 08/2018/TT-BNV điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã già yếu nghỉ việc, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/08.
Theo đó, từ ngày 01/07/2018, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 6,92% mức trợ cấp hàng tháng trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2018.
Đối tượng áp dụng là cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 01/07/2018 của các đối tượng được tính như sau = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2018 x 1,0692.
Như vậy, mức trợ cấp hàng tháng đối với cá đối tượng như sau:
- Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 1.974.000 đồng/tháng;
- Phó bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 1.910.000 đồng/tháng;
- Các chức danh còn lại là 1.768.000 đồng/tháng./.
(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
VI. Hướng dẫn giải quyết vướng mắc về thu, cấp thẻ BHYT và cấp mã số BHXH cho người tham gia BHYT
Ngày 23/7, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 2745/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết vướng mắc về thu, cấp thẻ BHYT và hoàn thiện cấp mã số BHXH cho người tham gia BHYT.
Theo đó, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ thu, cấp thẻ BHYT và hoàn thiện cấp mã số BHXH cho người tham gia BHYT, một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định, còn tình trạng phát sinh giảm không kịp thời dẫn đến trùng quá trình tham gia BHYT, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí đóng BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cấp mã số BHXH theo Công văn số 3799/BHXH-BT ngày 28/8/2017 của BHXH Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhưng vẫn còn một số trường hợp trùng 4 tiêu chí, hộ gia đình có một nhân khẩu hoặc nhiều nhân khẩu... đã ảnh hưởng đến việc quản lý thu, cấp thẻ BHYT.
Để khắc phục vấn đề trên, BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện giải quyết như sau:
- Đối với đối tượng đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH khi có phát sinh tăng đối tượng do chuyển địa bàn khác đến hoặc do chuyển đối tượng tham gia BHYT: BHXH cấp tỉnh/huyện nơi thực hiện phát sinh tăng đối tượng tham gia BHYT cần xác định đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự ưu tiên và quyền lợi hưởng theo quy định để thực hiện thu, cấp thẻ BHYT. Trường hợp đối tượng tham gia BHYT vẫn còn giá trị sử dụng, thì thực hiện giảm giá trị sử dụng thẻ BHYT đã cấp (thẻ BHYT cũ) và thẻ BHYT mới.
- Đối với BHXH cấp tỉnh/huyện nơi quản lý thu và cấp thẻ BHYT cũ: Hằng tháng, cán bộ chuyên quản tổng hợp danh sách báo giảm người tham gia có BHYT giảm giá trị sử dụng (Mẫu số 03-GT) theo từng đơn vị quản lý đối tượng trên hệ thống phần mềm TST. Đồng thời, chuyển Mẫu số 03-GT tới các đơn vị SDLĐ, Trung tâm DVVL, UBND xã, cơ quan quản lý đối tượng, đại lý thu, trường học để thực hiện chức năng của từng đơn vị.
- Đối với các trường hợp trùng 4 tiêu chí, hộ gia đình có một nhân khẩu hoặc nhiều nhân khẩu: Cần rà soát, chuẩn hóa dữ liệu theo hướng dẫn tại Công văn số 3356/BHXH-BT ngày 31/8/2016 về việc chuẩn hóa dữ liệu gia đình tham gia BHYT, Công văn số 3799/BHXH-BT ngày 28/8/2017 về việc hoàn thiện cấp mã số BHXH cho người tham gia BHYT hoàn thành trước ngày 30/9/2018.
(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
VII. Tiến hành triển khai sử dụng thẻ BHYT điện tử
Thủ tướng Chính phủ vừa giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử.
Việc triển khai sử dụng thẻ BHYT điện tử được xem là một thay đổi rất mới trong việc giúp cho chế độ BHYT có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với việc khám chữa bệnh của mọi người. Nó có thể giúp cho người tham gia bảo hiểm có thể được khám chữa bệnh mọi lúc, mọi nơi chỉ với các thông tin cơ bản như mã số BHYT, họ tên, ngày tháng năm sinh hay số CMND là cơ sở khám chữa bệnh có thể tìm ra thông tin để có thể ghi nhận việc khám chữa bệnh là hợp lệ.
Trước đó, BHXH Việt Nam đã nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4173/VPCP/KSTT ngày 8/5/2018 của Văn phòng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử với một số yêu cầu gồm: Thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ; bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, thẻ BHXH, BHYT điện tử phải được tích hợp an toàn và kết nối dữ liệu của ngành BHXH với các cơ sở dữ liệu của đơn vị, cơ sở KCB BHYT và với các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương có liên quan; thẻ sử dụng thông tin sinh trắc học của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN để xác thực nhân thân. Theo đó, thông tin sinh trắc học của người tham gia phải được thu thập, quản lý và cập nhật trên thẻ điện tử theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, đồng bộ với quá trình triển khai…
Hiện BHXH Việt Nam đã giao Vụ Pháp chế, Ban Sổ - Thẻ, Trung tâm CNTT và các đơn vị có liên quan phối hợp khẩn trương xây dựng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; gắn với việc xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể. Trước khi triển khai đồng bộ trên toàn quốc, cần tổ chức khảo sát, và thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn, lên phương án trang bị cơ sở hạ tầng hoàn thiện trước khi triển khai đồng bộ nhằm đảm bảo hiệu quả.
(Nguồn: Daidoanket.vn; Xem chi tiết tại đây)
VIII. Chủ động khắc phục vướng mắc trong thực hiện cải cách hành chính
Đây là nội dung quan trọng trong Công văn số 2289/BHXH-PC về vi